"Bẫy" hợp đồng giăng sẵn là thực trạng phổ biến trong thị trường bất động sản, khi mua nhà, người mua thường không được thương lượng điều kiện với chủ đầu tư. Họ chỉ có quyền chấp nhận hay từ chối điều khoản đã được đặt sẵn. Điều này khiến người mua thiếu quyền tự do và đôi khi phải chấp nhận các điều khoản bất lợi.
Người mua nhà dường như đang yếu thế trước các chủ đầu tư. Chủ đầu tư có quyền quyết định rất nhiều đối với các dự án, trong khi đó, ngay cả hợp đồng mua bán người dân cũng khó có thể can thiệp để giữ lấy quyền lợi.
Nhiều người cho rằng, người dân không có quyền thay đổi điều khoản trong hợp đồng do chủ đầu tư soạn sẵn. Tuy nhiên, theo luật sư Lê Ngọc Sơn - Giám đốc Công ty Luật TNHH Lavi: "Đúng là các hợp đồng mua bán nhà thường là do bên bán chuẩn bị sẵn. Song, nếu bảo người mua không có quyền thay đổi điều khoản trong hợp đồng do chủ đầu tư soạn sẵn là không đúng".
Luật sư Lê Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Lavi
Lý do theo vị luật sư này là bởi cả hai bên khi tham gia đàm phán, thương lượng để đi đến ký kết và thực hiện hợp đồng đều có quyền đề nghị sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong hợp đồng.
"Thế nhưng, trên thực tế là bên mua là bên yếu thế và không quyết liệt trong việc đề nghị điều chỉnh, sửa đổi hoặc bổ sung các điều khoản để đảm bảo lợi ích cho mình" - ông Sơn nói.
Hiện nay, theo luật sư Lê Ngọc Sơn, pháp luật dân sự quan niệm rằng, đây là các hợp đồng gia nhập. Nghĩa là, một bên có thế mạnh về kinh tế và các điều kiện khác soạn sẵn hợp đồng, bên kia chỉ có thể đồng ý tất cả và tham gia ký kết và thực hiện hợp đồng vì lý do mình yếu thế hơn.
Như vậy, bên yếu thế hơn khi tham gia các hợp đồng theo mẫu này thường gặp bất lợi và không công bằng. Tuy nhiên, để giảm thiểu tình trạng thua thiệt này, Bộ luật dân sự có những quy định bênh vực bên yếu thế.
Luật sư Lê Ngọc Sơn dẫn chứng, theo quy định của Điều 404 Bộ luật Dân sự năm 2015 về giải thích hợp đồng: "Trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia (Khoản 6, Điều 404) và trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó."
"Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (Khoản 2 và 3, Điều 405)" - ông Sơn cho hay.
Cũng theo vị luật sư này, sau khi ký kết hợp đồng, nếu chủ đầu tư có các vi phạm hay sai phạm rõ ràng, cộng đồng cư dân nên tìm hiểu tất cả các quy định có liên quan, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua cơ chế tư vấn của các luật sư. Thu thập đầy đủ các chứng cứ về các vi phạm, về các thiệt hại.
Từ đó, áp dụng tất cả các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Có thể là yêu cầu các cơ quan hành chính có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
Thậm chí, theo ông Sơn, có thể đề nghị xử lý hình sự nếu có dấu hiệu. Có thể là khởi kiện ra tòa án để yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng, đúng cam kết và bồi thường thiệt hại có liên quan.
"Cũng có thể là kết hợp cả hai biện pháp trên, đồng thời cũng thông tin đầy đủ đến các hội đoàn của người tiêu dùng để họ khuyến cáo về các chủ đầu tư hay sai phạm để tránh cho những người khác bị thiệt hại về sau" - ông Sơn cho biết thêm.