Kịch bản vàng miếng tăng phi mã, đắt hơn thế giới gần 20 triệu đồng một lượng lại tiếp diễn khi nguồn cung khan hiếm nhưng xuất hiện lực mua lớn trên thị trường,
Sau thời gian dài "bất động" dù thế giới biến động mạnh, giá vàng miếng SJC hai tháng gần đây bất ngờ tăng nhanh và mạnh, đẩy cách biệt giữa hai thị trường ngày càng lớn. Đỉnh điểm, ngày 26/12, bất chấp thị trường thế giới đi ngang và tăng nhẹ quanh mốc 2.050 USD một ounce, giá vàng miếng trong nước "nổi sóng" tăng hai triệu đồng trong ngày và xác lập kỷ lục trên 80 triệu đồng một lượng, đắt hơn quốc tế 20 triệu đồng. Hai ngày nay, giá SJC vẫn neo quanh mốc cao này.
Theo đó, những nhà đầu tư nắm giữ vàng lâu dài (mua từ năm ngoái trở về trước) hiện ghi nhận hiệu suất sinh lời xấp xỉ 20% so với đầu năm.
Lý giải diễn biến này, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), Huỳnh Trung Khánh nói xuất phát từ cung cầu thực tế trên thị trường chứ không phải do doanh nghiệp làm giá như nhiều suy đoán.
Theo ông Khánh, lực mua lớn gần đây xuất hiện khi nhà đầu tư kỳ vọng vào đà tăng ngắn và trung hạn của kim loại quý trên thị trường quốc tế, sau tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ của Mỹ. Theo đó, nhiều người ở Hà Nội và TP HCM đã tăng mua vào, nhất là vàng miếng SJC để tích trữ. Cầu tăng càng khiến giá đi lên.
Ngoài ra, trong ngắn và trung hạn, các dự báo vẫn thiên về hướng có lợi cho kim loại quý, qua đó tác động đến giá trong nước. Các ngân hàng và giới phân tích quốc tế dự báo giá vàng vẫn trên đà tăng và còn dư địa đến quý I/2024. Theo đó, kim loại quý sẽ thử nghiệm các mốc kháng cự kỹ thuật 2.075 USD, 2.100 USD và xa hơn là 2.150 USD.
Lý do quan trọng nhất ủng hộ cho đà tăng của kim loại quý này là dự báo Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm lãi suất ngay từ tháng 3/2024 và có ba lần giảm ít nhất trong năm này. Điều đó sẽ làm giảm sức mạnh của USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ nhưng ngược lại củng cố sức mạnh cho vàng. Đồng thời những yếu tố khác ủng hộ cho vàng như căng thẳng địa chính trị và nhu cầu nữ trang tăng lên theo tính mùa vụ trước Tết cũng như nhu cầu vàng từ các ngân hàng trung ương, chuyên gia Huỳnh Trung Khánh nhận định.
Bên cạnh đó, "tâm lý đám đông", theo chuyên gia này, cũng là yếu tố cộng hưởng cho đà tăng của giá vàng gần đây. Giá lập đỉnh và ghi nhận mức sinh lời ấn tượng thúc đẩy nhiều người ra quyết định xuống tiền ngay vào thời điểm đó. Dự báo khả quan về giá vàng thế giới trong năm 2024 khiến họ tin rằng "mua giá cao nhưng cũng có thể bán giá cao hơn".
Các chuyên gia cũng cho rằng, kịch bản giá vàng tăng phi mã và ngày càng đắt đỏ so với thế giới hiện nay không phải diễn ra lần đầu. Giá vàng miếng đã có nhiều phiên tăng nhanh hơn, diễn biến lệch pha hoặc giảm chậm hơn so với thế giới. Năm ngoái, vàng miếng từng dậy sóng dư luận khi cách biệt so với thế giới trên 20 triệu đồng.
Đến trưa 28/12, giá vàng miếng lại quay đầu giảm khi thế giới tăng mạnh, thu hẹp chênh lệch giữa hai thị trường xuống 18 triệu đồng một lượng. Diễn biến lệch pha của vàng miếng so với thế giới đặt ra nhiều câu hỏi bất thường với giá vàng miếng.
Phân tích kịch bản này, giới chuyên gia nói cần phân biệt rõ hai loại vàng được quan tâm trên thị trường. Thứ nhất, vàng miếng SJC là thương hiệu độc quyền của quốc gia. Thứ hai là vàng nhẫn, nữ trang các loại giao dịch với giá thấp hơn chục triệu đồng so với vàng miếng và cũng tiệm cận với giá thế giới hơn.
Thị trường vàng miếng, theo đó, là thị trường đặc biệt, thường được các chuyên gia gọi là thị trường không hoàn hảo. Đây là một hàng hóa đặc biệt bởi nguồn cầu tăng nhưng nguồn cung "đứng im suốt nhiều năm qua".
"Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) dù là thương hiệu độc quyền vàng miếng của quốc gia nhưng họ cũng như các đơn vị kinh doanh khác, không được quyền chủ động sản xuất vàng miếng. Máy móc của SJC nhiều năm nay vẫn được niêm phong", Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng nói.
Ngân hàng Nhà nước quyết định việc sản xuất vàng miếng hay cấp phép nhập khẩu vàng. Nhưng Tổng giám đốc của SJC, bà Lê Thúy Hằng, cho biết từ 2014 đến nay nhà quản lý không đưa thêm nguồn cung vàng ra thị trường. Vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, sau đó đem đi xuất khẩu.
Từ trước 2020, vàng miếng có những thời điểm cao hơn nhưng đa phần vẫn tiệm cận với vàng nữ trang trong nước và không cách biệt nhiều so với thế giới. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, giá vàng miếng ngày càng bỏ xa vàng nữ trang và thế giới. Điều này được lãnh đạo SJC lý giải bởi thực tế ngày càng khan hiếm vàng miếng, đặc biệt sau giai đoạn xuất đi lượng lớn từ năm 2019.
"Số lượng vàng miếng trên thị trường còn rất ít", bà Hằng chia sẻ. Năm 2019, thị trường vàng xuất đi nước ngoài rất nhiều nên lượng vàng miếng SJC còn lại khiêm tốn. Nguồn cung ít trong khi nhu cầu thị trường vẫn có, do vậy tạo ra độ chênh về giá so với vàng thế giới, Tổng giám đốc SJC giải thích.
Chính vì là món hàng khan hiếm, vàng miếng SJC theo chuyên gia Huỳnh Trung Khánh, được "đấu giá" giữa bộ phận người mua và bán trong nước và trở nên lệch pha so với thế giới.
Lãnh đạo một nhà băng thậm chí ví vàng miếng như một "món đồ cổ", được trao tay lòng vòng giữa một bộ phận người dân và nhà đầu tư. Trong kịch bản (nếu có) nguồn cung vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước bổ sung trên thị trường, giá vàng miếng chắc chắn không còn neo cao so với vàng nữ trang như hiện nay. "Theo đó, người nắm giữ vàng miếng sẽ chịu thiệt nếu gom vào với giá cao tới cả chục triệu so với các loại vàng khác trên thị trường", bà nói.
Dù vàng miếng ghi nhận mức sinh lời hấp dẫn, nhưng một lãnh đạo ngân hàng khuyến nghị: "Vàng miếng không phải là ý tưởng hay để đầu tư với người không chuyên, đặc biệt thời điểm giá tăng nóng. Ngoài ra, yếu tố về nguồn cung vàng miếng khó có thể dự báo trước, cũng là rủi ro với những người nắm giữ loại vàng này".
Cùng quan điểm, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng nhấn mạnh vàng miếng có mức độ biến động mạnh đi kèm rủi ro cao hơn so với các loại vàng khác trên thị trường, do đó người không chuyên nên cân nhắc kỹ khi đầu tư.
Quỳnh Trang