Mỗi lượng vàng miếng cuối buổi sáng nay đảo chiều tăng 3 triệu đồng sau khi rớt mạnh 3,5 triệu đầu ngày, lên 77 triệu đồng.
Về gần cuối buổi sáng, giá vàng SJC được điều chỉnh tăng liên tục với biên độ lớn. Lúc 10h30, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC nâng giá bán vàng miếng nửa triệu đồng, lên 71,5 - 74,5 triệu đồng. 11h20, giá mua bán tại SJC tăng thêm 1,5 triệu đồng, lên 73 - 76 triệu đồng một lượng. 15 phút sau, công ty này tiếp tục tăng giá mua bán nửa triệu đồng, lên 73,5 - 76,5 triệu. Đến cuối buổi sáng, vàng miếng SJC hồi phục lên vùng 74 - 77 triệu đồng, ngang ngửa mức đóng cửa hôm qua.
Theo đó, trong vòng một tiếng rưỡi, giá vàng SJC đã đảo chiều tăng 3 triệu đồng. Trong khi đó, giá vàng miếng tại DOJI hiện cũng mua vào 72,5 triệu, bán ra 77 triệu đồng.
Chênh lệch mua bán được SJC duy trì 3 triệu đồng, còn DOJI nới rộng đến 4,5 triệu đồng. Động thái này thường được các doanh nghiệp vàng áp dụng khi giá biến động mạnh nhằm hạn chế rủi ro.
Đầu ngày, giá vàng SJC đã trải qua thời gian ngắn rớt thẳng đứng. Lúc 9h22, mỗi lượng vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giảm 3,5 triệu đồng so với cuối ngày hôm qua, xuống 71 - 74 triệu đồng một lượng. Tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, giá cũng lao dốc xuống 71 - 75 triệu đồng. Mức này thấp hơn 6 triệu đồng so với kỷ lục trên 80 triệu lập được hôm 26/12.
Kịch bản giá lao dốc mạnh 3-4 triệu đồng rồi nhanh chóng hồi phục mạnh sáng nay cũng tương tự như chiều hôm qua. Theo đó, đầu giờ chiều 28/12, giá vàng SJC giảm một mạch hơn 3 triệu đồng mỗi lượng, trước khi quay đầu hồi phục 1,5 triệu về cuối ngày.
Vàng nhẫn và nữ trang sáng nay cũng điều chỉnh nhưng biên độ thấp hơn, giảm gần nửa triệu đồng so với cuối ngày hôm qua. Tại SJC, vàng nhẫn về 62,4 - 63,45 triệu; nữ trang 99,99% xuống 62,35 - 63,15 triệu.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng hôm 27/12, yêu cầu điều hành giá trong nước theo thị trường, không để vênh cao với quốc tế, giá vàng miếng SJC liên tục lao dốc khiến chênh lệch với thế giới thu hẹp về còn 13 triệu đồng một lượng thay vì mức 18-20 triệu cách đây 3 ngày.
Trên thị trường quốc tế, mỗi ounce vàng giao ngay ổn định quanh mức 2.068 USD, nếu quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank tương đương 60,95 triệu đồng một lượng (chưa thuế, phí), thấp hơn khoảng 2,5 triệu đồng với vàng nữ trang và kém 13-15 triệu so với vàng miếng trong nước, tuỳ thời điểm.
Trước biến động mạnh của giá vàng gần đây, theo Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố tâm lý trước đà tăng liên tục của giá vàng quốc tế. Còn khối lượng giao dịch cả chiều mua lẫn bán mấy ngày qua chỉ tăng nhẹ, nhìn chung không biến động bất thường.
Cơ quan quản lý tiền tệ cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn khi cần thiết. Trong tháng 1/2024, cơ quan này sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thị trường vàng quốc tế và trong nước, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân nên thận trọng trong giao dịch vàng.
Theo các chuyên gia, kịch bản giá vàng tăng phi mã và rơi tự do không phải diễn ra lần đầu. Giá vàng miếng đã có nhiều phiên tăng nhanh hơn, diễn biến lệch pha hoặc giảm chậm hơn so với thế giới. Năm ngoái, vàng miếng cũng từng dậy sóng dư luận khi cách biệt so với thế giới trên 20 triệu đồng.
Lý giải sự lệch pha này, giới chuyên gia cho rằng thị trường vàng miếng là thị trường đặc biệt, thường được gọi là thị trường không hoàn hảo. Đây là một hàng hóa đặc biệt bởi nguồn cầu (mua bán của người dân) tăng nhưng nguồn cung "đứng im suốt nhiều năm qua".
Quỳnh Trang
*Tiếp tục cập nhật