Trước giải phóng, ông cố tôi có thuê đất của người khác để canh tác. Sau khi ông cố mất, bà nội tôi tiếp tục thuê đất đó cho đến khi qua đời vào năm 1986.
Lúc ấy, do chỉ có ba tôi ở chung với bà nội nên ba
tôi tiếp tục canh tác. Năm 1995, UBND huyện cấp giấy đỏ cho hộ của tôi
(gồm có ba mẹ tôi và bốn người con). Nay hai cô của tôi (con của bà nội)
yêu cầu chia thừa kế đất của bà nội để lại. Pháp luật xử lý việc này
như thế nào?
Chung Quang (cqtoan@...)
Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO trả lời: Theo Nghị
quyết số 02 ngày 10-8-2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, đối với
đất do người chết để lại (không phân biệt có tài sản hay không có tài
sản gắn liền với quyền sử dụng đất) mà người đó đã có giấy đỏ theo Luật
Đất đai năm 1987, 1993, 2003 thì quyền sử dụng đất đó là di sản.
Như vậy, với việc hộ của bạn trực tiếp canh tác và
được cấp giấy đỏ vào năm 1995 (khi bà nội của bạn chết vào năm 1986 thì
bà không được cấp giấy đỏ), đất đó không được xác định là di sản của bà
nội bạn. Nay nếu có tranh chấp quyền sử dụng đất, hai cô của bạn có thể
nộp đơn đến UBND cấp xã để được hòa giải và sau nữa là khởi kiện ra TAND
cấp huyện nơi có đất để được xem xét, giải quyết.