Đối với những người đã nhận căn hộ chung cư nhưng chưa di chuyển vào ở, việc này không có nghĩa là họ phải đóng các khoản phí dịch vụ. Thông thường, phí dịch vụ chỉ được tính từ thời điểm cư dân chính thức di chuyển vào và sử dụng các tiện ích chung của chung cư. Việc không đóng phí trong thời gian chưa sử dụng căn hộ là hợp lý và không đòi hỏi sự thanh toán trước đó.
CafeLand - Thời gian gần đây, nhiều người thắc mắc về việc đã nhận bàn giao căn hộ chung cư nhưng chưa vào ở có phải đóng phí dịch vụ hay không.
Chủ đầu tư bàn giao căn hộ tại quận 7, TP. Hồ Chí Minh cho chị Ngọc Yến sớm 3 tháng so với hợp đồng mua bán căn hộ; do lệch với dự tính ban đầu nên chị Yến nhận bàn giao nhưng chưa vào ở liền mà đợi sang Tết Âm lịch mới vào ở. Theo chị Yến, việc chủ đầu tư giao nhà sớm hơn hợp đồng mua bán nên chị phải thanh toán 25% số tiền theo tiến độ sớm hơn dự tính ban đầu, giờ lại yêu cầu đóng phí dịch vụ hằng tháng kể từ ngày nhận bàn giao, đúng là quá vô lý và thiệt hại cho cư dân.
Trường hợp khác, anh Thái Long mua một căn hộ tại quận 12, TP. Hồ Chí Minh với mục đích mua đi – bán lại kiếm lời chứ không phải để ở. Do đó, anh Long có thắc mắc là đã nhận bàn giao căn hộ nhưng không ở có phải đóng phí dịch vụ hằng tháng hay không.
Về vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh có một số chia sẻ pháp lý sau đây để mọi người nắm rõ:
Theo khoản 3 Điều 106 Luật Nhà ở năm 2014, đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được quy định như sau:
- Trường hợp chưa tổ chức được Hội nghị nhà chung cư lần đầu thì giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở.
- Trường hợp đã tổ chức được Hội nghị nhà chung cư thì giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư do Hội nghị nhà chung cư quyết định.
Theo khoản 4 Điều 106 Luật Nhà ở năm 2014, đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu thì giá dịch vụ quản lý nhà chung cư được thực hiện theo thỏa thuận giữa chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư; trường hợp nhà chung cư thuộc sở hữu nhà nước thì giá dịch vụ quản lý nhà chung cư được thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Theo khoản 3 Điều 4 Thông tư 02/2016/TT-BXD, việc đóng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư được thực hiện theo thỏa thuận giữa chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư với đơn vị quản lý vận hành trên cơ sở các quy định của pháp luật về nhà ở. Việc sử dụng kinh phí quản lý vận hành, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư phải bảo đảm đúng mục đích, công khai, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở và Quy chế này; việc đóng góp các khoản phí, lệ phí trong quá trình sử dụng nhà chung cư phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Căn cứ vào các quy định nêu trên thì việc thu phí quản lý vận hành nhà chung cư được thực hiện “theo thỏa thuận giữa chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư với đơn vị quản lý vận hành”. Do đó, trường hợp đã nhận bàn giao căn hộ nhưng chưa vào ở không phải đóng phí quản lý vận hành nhà chung cư nếu trước đó hai bên đã thỏa thuận, đơn cử như sau:
Thứ nhất, trường hợp trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư có nêu rõ các trường hợp đã nhận bàn giao căn hộ nhưng chưa vào ở thì không phải đóng phí quản lý vận hành nhà chung cư.
Thứ hai, trường hợp trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư có nêu rõ thời điểm nhận bàn giao căn hộ thì sẽ tính phí quản lý vận hành nhà chung cư. Trên thực tế, chủ đầu tư bàn giao căn hộ sớm hơn hợp đồng mua bán căn hộ nên khách hàng từ chối nhận bàn giao; tuy nhiên, sau đó hai bên thương lượng và đồng ý nhận bàn giao căn hộ với điều kiện khi nào ở mới thu phí quản lý vận hành nhà chung cư…
Tóm lại, trong trường hợp này muốn xác định chính xác việc đã nhận bàn giao căn hộ nhưng chưa vào ở có phải đóng phí quản lý vận hành nhà chung cư hay không thì phải dựa vào hợp đồng mua bán căn hộ, thỏa thuận của các bên về vấn đề này.