Cách để doanh nghiệp nhận được hỗ trợ lãi suất 2% mỗi năm là liên hệ với các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính phù hợp. Điều này thường áp dụng cho các hoạt động đầu tư mới hoặc mở rộng. Quá trình này đòi hỏi sự nghiên cứu và chuẩn bị hồ sơ đầy đủ để đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu của nhà cung cấp tài chính.
Các khoản vay từ đầu năm 2022 đến cuối năm 2023 của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ mức lãi suất ưu đãi 2%/năm. Vậy, các ngành nào được hưởng lợi và điều kiện để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi này là gì?
Theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, có hiệu lực từ ngày 20/5/2022.
Các ngành được hỗ trợ
Các ngành sẽ được hỗ trợ vốn vay gồm hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin.
Các ngành có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố cũng được hỗ trợ lãi suất.
Điều kiện được hỗ trợ lãi suất
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 31, điều kiện được hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh như sau:
- Khách hàng có đề nghị được hỗ trợ lãi suất, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
- Khoản vay được hỗ trợ lãi suất là khoản vay bằng đồng Việt Nam, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01/1/2022 đến ngày 31/12/2023.
- Sử dụng vốn đúng mục đích theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định này và chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác:
+ Có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành đã được đăng ký kinh doanh, bao gồm: Hàng không, vận tải kho bãi (H), dịch vụ lưu trú, ăn uống (I), du lịch (N79), giáo dục và đào tạo (P), công nghiệp chế biến, chế tạo (C), nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (A), xuất bản phần mềm (J582), Lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan (J-62), hoạt động dịch vụ thông tin (J-63)
Lưu ý, hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản quy định tại mã ngành kinh tế (L).
+ Có mục đích sử dụng vốn vay để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố.
- Khoản vay không được tiếp tục hỗ trợ lãi suất trong các trường hợp sau:
+ Khoản vay có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả không được hỗ trợ lãi suất đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ nằm trong khoảng thời gian có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả. Khoản vay chỉ được tiếp tục hỗ trợ lãi suất đối với các kỳ hạn trả nợ lãi tiếp theo sau khi khách hàng đã trả hết số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả.
+ Khoản vay được gia hạn nợ không được hỗ trợ lãi suất đối với thời gian gia hạn nợ.
Thời hạn được hỗ trợ lãi suất
- Tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất, kể từ ngày nghị định có hiệu lực, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023.
- Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian trên.
Phương thức hỗ trợ lãi suất
Đến thời điểm trả nợ của từng kỳ hạn trả nợ lãi, ngân hàng thương mại thực hiện giảm cho khách hàng số lãi tiền vay phải trả bằng số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất trong kỳ theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo kế hoạch được phê duyệt từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn vốn hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là 40.000 tỉ đồng. Đây được kỳ vọng sẽ là nguồn hỗ trợ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch. |