Xử lý tranh chấp khi góp tiền chung mua đất là quá trình giải quyết những xung đột phát sinh giữa các cá nhân hoặc nhóm người đóng góp tiền để mua đất chung. Qua các bước như thương lượng, đối thoại, hoặc sử dụng hình thức pháp lý, mục tiêu là tìm ra giải pháp hợp lý và công bằng cho cả nhóm liên quan.
Tháng 2/2020 tôi có mua 1 mảnh đất trong tình trạng như sau: Anh A tìm mua được 1 miếng đất có diện tích 3.800m2 với giá 8 tỷ 400 triệu. Miếng này sẽ chia cho 4 người , trong đó phần đất của tôi là 480m2 (6*80).
Tại thời điểm tôi thanh toán đủ tiền cho anh A thì sổ đỏ chưa sang tên cho A, và khi bàn giao đủ tiền thì chúng tôi có viết tay 1 bản thỏa thuận về việc tôi đã giao đủ tiền và anh này phải có trách nhiệm làm thủ tục tách sổ đỏ cho phần đất của tôi sau khi sổ đỏ sang tên anh này.
Văn bản thỏa thuận này có chữ ký của tôi, anh A và 3 người làm chứng. Tuy nhiên đến tháng 7/2021, A vẫn chưa làm thủ tục tách sổ đỏ cho tôi. A đã đứng tên sổ đỏ từ tháng 4/2020. Xin hỏi, trường hợp A cố tình không tách sổ cho tôi thì tôi có thể khơỉ kiện được hay không? Giấy thỏa thuận tay kia có giá trị pháp lý không? Mong được luật sư tư vấn giúp. Xin cảm ơn.
lethoan88@...
ThS-LS Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An trả lời:
Thứ nhất: Trường hợp góp vốn khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Theo quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013 về nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì:
“Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.”
Như vậy, pháp luật về đất đai của Việt Nam ghi nhận trường hợp nhiều người cùng sở hữu chung quyền sử dụng đất cũng như yêu cầu khi xảy ra trường hợp sở hữu chung quyền sử dụng đất, thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi đầy đủ tên những người có chung quyền.
Do đó, việc góp vốn mua chung đất là phù hợp với quy định của pháp luật, đồng thời những người góp vốn phải có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất cùng góp tiền để mua.
Điều 218. Định đoạt tài sản chung
1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình.
2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thoả thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo quy định trên, nếu bạn có tranh chấp về việc góp vốn quyền sử dụng đất, bạn căn cứ vào hợp đồng góp vốn hoặc bản thỏa thuận về góp vốn và tách sổ đỏ như hai bên đã thỏa thuận để yêu cầu anh A thực hiện theo thỏa thuận.
Thứ hai: Tranh chấp về quyền sử dụng đất giải quyết theo thủ tục khởi kiện
Tranh chấp góp tiền mua chung đất thì trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp tuân theo quy định của Luật Đất đai. Điều 202 Luật Đất đai 2013 Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Nếu các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn lên UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
Trường hợp hòa giải không thành, bạn có thể nộp đơn khởi kiện giải quyết tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất. Hồ sơ khởi kiện gồm đơn khởi kiện và các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện.