Bản đồ địa chính được phân loại theo từng giai đoạn của lịch sử để nắm bắt thay đổi địa hình. Có ba loại chính: bản đồ cổ, bản đồ hiện đại và bản đồ số. Bản đồ cổ cung cấp thông tin về quá khứ, trong khi bản đồ hiện đại giúp hiểu thêm về hiện tại. Bản đồ số là phiên bản kỹ thuật số với khả năng tạo và sửa đổi dễ dàng. Tất cả đều có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu địa lý, lịch sử và quản lý địa chính.
Xin hỏi về bản đồ địa chính làm căn cứ giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực đất đai theo từng giai đoạn ra sao?
hoangan32@...
Trả lời:
Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý đất đai tùy từng thời điểm mà bản đồ địa chính được lập theo các yêu cầu khác nhau để phù hợp với yêu cầu quản lý đất đai của giai đoạn đó, cụ thể:
- Các loại bản đồ đã lập từ năm 1980 trở về trước: Các loại bản đồ này thường được lập đơn giản theo dạng sơ đồ thửa đất, việc trình bày và thể hiện bản đồ chưa được thống nhất, mỗi địa phương khác nhau thì có sự thể hiện khác nhau theo từng thời điểm lập bản đồ, tuy nhiên vẫn thể hiện về ngày, tháng, năm lập; đơn vị đo vẽ; đơn vị nghiệm thu; cơ quan thẩm duyệt trên bản đồ hoặc trong các tài liệu hồ sơ kèm theo.
- Các loại bản đồ đã lập từ sau năm 1980 đến trước năm 1993: Khi Tổng cục Quản lý ruộng đất được thành lập (Nghị định số 404-CP ngày 09/11/1979 về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức Quản lý ruộng đất), trên cơ sở nhu cầu phát triển của công tác đo đạc bản đồ địa chính phục vụ quản lý đất đai, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 299/TTg ngày 10/11/1980 về Công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký ruộng đất trong cả nước. Bản đồ được lập ra dựa trên Chỉ thị số 299/TTg ngày 10/11/1980 thường gọi tắt là bản đồ giải thửa.
Việc trình bày và thể hiện bản đồ giai đoạn này cơ bản đã có sự thống nhất theo quy định chung của Tổng cục Quản lý ruộng đất. Giai đoạn này, các văn bản của Trung ương đã có quy định cụ thể về thể hiện ngày, tháng, năm lập; đơn vị đo vẽ; đơn vị nghiệm thu; cơ quan thẩm duyệt trên bản đồ.
- Các loại bản đồ đã lập từ sau 1993 đến nay: Các loại bản đồ này được lập thống nhất theo quy định thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1:1000, 1:2000, 1:5000 của Tổng cục Quản lý ruộng đất. Trong đó, đã có quy định cụ thể về thể hiện ngày, tháng, năm lập; đơn vị đo vẽ; đơn vị nghiệm thu; cơ quan thẩm duyệt tại sơ đồ khung bản đồ địa chính.
Chính vì vậy, dù bản đồ địa chính được lập trong giai đoạn nào thì đều có quy định về kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm hoàn thành và được thể hiện trên các tài liệu kiểm tra, nghiệm thu, phê duyệt chất lượng sản phẩm khác nhau, riêng kết quả của việc này có được thể hiện trên mảnh bản đồ hay không, mức độ đầy đủ như thế nào thì tùy thuộc vào từng giai đoạn.
Đối với thông tin về thửa đất và người sử dụng đất ngoài phần thể hiện trên bản đồ thì còn có phần thể hiện trên sổ sách thống kê kèm theo (như: Sổ Mục kê, thống kê ruộng đất, Sổ Đăng ký ruộng đất …) và các hồ sơ quản lý đất đai khác.
Bản đồ địa chính các thời kỳ đều được sử dụng trong việc quản lý đất đai, trong đó bao gồm cả việc làm căn cứ để giải quyết về tranh chấp đất đai.
Tuy nhiên, tại từng giai đoạn lập bản đồ khác nhau mà chất lượng bản đồ cũng khác nhau, từ đó giá trị sử dụng để quyết định vấn đề đất đai cụ thể cũng khác nhau, nên ngoài việc sử dụng bản đồ thì còn phải căn cứ vào sổ sách thống kê kèm theo (như: Sổ Mục kê, thống kê ruộng đất, Sổ Đăng ký ruộng đất …) và các hồ sơ quản lý đất đai khác và quy định của pháp luật hiện hành để làm căn cứ giải quyết từng vấn đề cụ thể.